Các tiêu chuẩn thẩm định Bệnh Viện quốc tế của JCI

Chia sẻ cho bạn bè :

Lâu nay chúng ta vẫn nghe nói đến các bệnh viện quốc tế, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về bệnh viện quốc tế. Bệnh viện quốc tế khác gì các bệnh viện khác? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.


Trước hết chúng ta cần hiểu về JCI. JCI là chữ viết tắt của “Joint Commission International, là tên của tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Mỹ có hoạt động mở rộng trên 80 quốc gia kể từ năm 1994. Tiêu chuẩn JCI lấy bệnh nhân làm trung tâm, tập trung đặc biệt vào sự an toàn, chất lượng chăm sóc y tế và hệ thống quản lý chất lượng. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn xem xét một cách toàn diện đến quyền và nghĩa vụ, giáo dục, truyền thông, tâm lý, văn hóa của cả bệnh nhân, thân nhân lẫn nhân viên y tế. Sau đây là các tiêu chuẩn của JCI

Phần I. CÁC TIÊU CHUẨN HƯỚNG ĐẾN BỆNH NHÂN

1. Tiếp cận chăm sóc và chăm sóc liên tục
Một tổ chức chăm sóc sức khỏe cần xem xét sự chăm sóc mà họ cung cấp là một hệ thống tích hợp các dịch vụ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các mức độ chăm sóc, tạo nên một sự chăm sóc liên tục. Mục đích là làm phù hợp những nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân một cách chính xác với các dịch vụ có sẵn, phối hợp với các dịch vụ được cung cấp cho bệnh nhân trong tổ chức và sau đó dự tính thời điểm xuất viện và theo dõi. Thành quả là cải thiện kết quả chăm sóc bệnh nhân và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có.

Thông tin là cần thiết cho việc ra những quyết định đúng về

- Những nhu cầu nào của bệnh nhân mà tổ chức chăm sóc sức khỏe đáp ứng được; tính hiệu quả của các dịch vụ dành cho bệnh nhân;
- Sự xuất viện hay chuyển viện phù hợp để bệnh nhân về nhà hoặc sang cơ sở chăm sóc khác.

2. Quyền của bệnh nhân và gia đình

Mỗi bệnh nhân là duy nhất về niềm tin, giá trị, sức khỏe và nhu cầu của họ. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe phải làm sao để thiết lập sự tin tưởng và truyền thông cởi mở với bệnh nhân, phải thấu hiểu và bảo vệ những giá trị về tinh thần, tâm lý xã hội và văn hóa của bệnh nhân. Kết quả chăm sóc bệnh nhân được cải thiện khi bệnh nhân và gia đình của họ hoặc người ra quyết định thay họ, nếu thích hợp, được tham gia vào các qui trình và quyết định chăm sóc theo một cách phù hợp với kỳ vọng văn hóa.

Để củng cố quyền của bệnh nhân trong tổ chức chăm sóc sức khỏe, khởi đầu là định nghĩa các quyền đó, sau đó giáo dục bệnh nhân và nhân viên về các quyền đó. Bệnh nhân được thông báo về các quyền của họ và cách thức thực hiện chúng. Nhân viên được giáo dục để hiểu và tôn trọng các giá trị và niềm tin của bệnh nhân và từ đó cung cấp sự chăm sóc ân cần và tôn trọng để bảo vệ nhân phẩm bệnh nhân. Chương này chỉ ra những qui trình để

- Xác định, bảo vệ và củng cố các quyền của bệnh nhân.

- Thông báo cho bệnh nhân về các quyền của họ; cho gia đình bệnh nhân, nếu thích hợp, tham gia vào các quyết định chăm sóc bệnh nhân; có được sự đồng ý thông báo; giáo dục nhân viên về các quyền của bệnh nhân; và thiết lập khuôn khổ đạo đức của tổ chức.

Cách thức thực hiện những qui trình này trong tổ chức phụ thuộc vào qui định và luật pháp của quốc gia đó và bất kỳ hiệp ước, công ước quốc tế hoặc thỏa thuận nào về quyền con người được xác nhận bởi quốc gia đó. Những qui trình này liên quan đến cách thức tổ chức cung cấp chăm sóc sức khỏe một cách công bằng, dựa vào cấu trúc của hệ thống phân phối chăm sóc sức khỏe và cơ chế tài chính chăm sóc sức khỏe của quốc gia. Chương này cũng chỉ ra các quyền của bệnh nhân và gia đình liên quan đến việc nghiên cứu, hiến tặng, cấy ghép mô và cơ quan.

Đánh giá bệnh nhân

Qui trình đánh giá bệnh nhân hiệu quả đem lại những quyết định về yêu cầu điều trị liên tục và ngay lập tức của bệnh nhân đối với trường hợp khẩn cấp, chăm sóc theo lịch hẹn, thậm chí khi tình trạng bệnh nhân thay đổi. Đánh giá bệnh nhân là một qui trình năng động, liên tục xảy ra trong nhiều khoa, phòng và phòng khám nội trú cũng như ngoại trú. Đánh giá bệnh nhân bao gồm ba qui trình chính:

+ Thu thập thông tin và dữ liệu của bệnh nhân về thể trạng, tâm lý, tình trạng xã hội và tiền sử sức khỏe.
+ Phân tích thông tin và dữ liệu, bao gồm cả các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, để xác định nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân.
+ Phát triển một kế hoạch chăm sóc để đáp ứng nhu cầu đã được xác định của bệnh nhân.

Đánh giá bệnh nhân là phù hợp khi xem xét nhu cầu sức khỏe, tuổi, tình trạng bệnh nhân và yêu cầu hay sở thích của họ. Các qui trình này được thực hiện hiệu quả nhất khi các chuyên gia y tế khác nhau chịu trách nhiệm về bệnh nhân làm việc cùng nhau.

3. Chăm sóc bệnh nhân

Mục đích chính của một tổ chức chăm sóc sức khỏe là chăm sóc bệnh nhân. Việc cung cấp sự chăm sóc phù hợp nhất mà hỗ trợ và đáp ứng những nhu cầu duy nhất của mỗi bệnh nhân đòi hỏi lập kế hoạch và phối hợp ở mức độ cao. Những hoạt động chắc chắn là cơ bản trong việc chăm sóc bệnh nhân bao gồm:

- Lập kế hoạch và phân phối chăm sóc đến mỗi bệnh nhân
- Giám sát bệnh nhân hiểu được kết quả của việc chăm sóc
- Điều chỉnh việc chăm sóc khi cần thiết
- Hoàn tất việc chăm sóc
- Lên kế hoạch theo dõi

Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, phục hồi chức năng trị liệu và các loại hình cung cấp chăm sóc sức khỏe khác có thể thực hiện các hoạt động này. Mỗi nhà cung cấp đều có vai trò rõ ràng trong việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Vai trò đó được xác định qua bằng cấp, giấy chứng nhận, giấy phép hành nghề; qui định và pháp luật; kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng đặc biệt của mỗi cá nhân; các chính sách của tổ chức hay bảng mô tả công việc. Một vài sự chăm sóc có thể được thực hiện bởi bệnh nhân, gia đình họ hoặc những những người chăm sóc đã qua đào tạo. Các tiêu chuẩn đánh giá bệnh nhân mô tả cơ sở việc phân phối chăm sóc – một kế hoạch cho mỗi bệnh nhân dựa trên nhu cầu của họ. Chăm sóc đó có thể là phòng bệnh, giảm đau, chữa bệnh, hay phục hồi chức năng và có thể bao gồm gây mê, phẫu thuật, điều trị thuốc, điều trị hỗ trợ hoặc kết hợp các phương pháp trên. Một kế hoạch chăm sóc không đủ để đạt được kết quả tối ưu. Các dịch vụ phân phối phải được kết hợp và hợp nhất bởi tất cả cá nhân tham gia chăm sóc bệnh nhân.

4. Chăm sóc phẫu thuật và gây mê

Việc sử dụng các can thiệp phẫu thuật, giảm đau và gây mê là những qui trình phức tạp và phổ biến trong các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Chúng đòi hỏi một sự đánh giá bệnh nhân toàn diện và đầy đủ, tích hợp lập kế hoạch chăm sóc, giám sát bệnh nhân liên tục, chuyển viện theo chỉ định, phục hồi chức năng và cuối cùng là chuyển viện, xuất viện. Gây mê và giảm đau thường được xem như là quá trình liên tục từ giảm đau tối thiểu đến gây mê hoàn toàn. Việc sử dụng gây mê và giảm đau phải được thiết lập hợp nhất vì đáp ứng của bệnh nhân có thể xảy ra trong suốt quá trình này. Vì vậy, chương này bao gồm gây mê, giảm đau sâu và vừa phải, trong suốt quá trình này, phản ứng bảo vệ của bệnh nhân cần thiết cho chức năng hô hấp là có nguy cơ. Chương này không hướng đến việc sử dụng giảm đau tối thiểu. Do đó, việc sử dụng thuật ngữ “gây mê” bao gồm luôn giảm đau sâu và vừa phải.

Ghi chú: Các tiêu chuẩn phẫu thuật và gây mê được áp dụng ở bất kỳ hình thức gây mê và/hoặc giảm đau sâu hay vừa phải và phẫu thuật hay thủ thuật xâm lấn khác đều đòi hỏi sự đồng ý để thực hiện. Những nơi thực hiện bao gồm các khoa phẫu thuật tại bệnh viện, các đơn vị bệnh viện hoặc phẫu thuật trong ngày, các phòng nha khoa hoặc phòng khám ngoại viện khác, các dịch vụ cấp cứu, khu chăm sóc đặc biệt hay các nơi khác.

5. Quản lý và sử dụng thuốc

Quản lý thuốc là một thành phần quan trọng trong điều trị chữa bệnh, phòng bệnh, điều trị triệu chứng và giảm đau. Quản lý thuốc bao gồm các qui trình và hệ thống mà tổ chức cung cấp điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân của họ. Đây thường là sự nỗ lực kết hợp, đa lĩnh vực của nhân viên thuộc tổ chức chăm sóc sức khỏe, áp dụng các nguyên tắc thiết lập qui trình hiệu quả, thực hiện và cải thiện việc lựa chọn, mua sắm, lưu trữ, đặt hàng/kê toa, sao chép, phân phối, chuẩn bị, pha chế, thực hiện, ghi nhận và giám sát điều trị bằng thuốc. Trong khi vai trò của nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe khác nhau rất nhiều giữa các quốc gia, thì các qui trình quản lý thuốc nhằm an toàn cho bệnh nhân được phổ biến chung.

6. Giáo dục bệnh nhân và gia đình

Giáo dục bệnh nhân và gia đình giúp bệnh nhân tham gia tốt hơn vào việc chăm sóc họ và ra các quyết định chăm sóc được báo trước. Nhiều nhân viên khác nhau trong tổ chức giáo dục bệnh nhân và gia đình. Việc giáo dục xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với bác sĩ hay điều dưỡng của họ. Những người khác giáo dục bệnh nhân khi cung cấp các dịch vụ chuyên biệt như phục hồi chức năng hay điều trị dinh dưỡng hoặc chuẩn bị bệnh nhân xuất viện và chăm sóc liên tục. Vì có nhiều nhân viên tham gia giáo dục bệnh nhân và gia đình, điều quan trọng là các nhân viên phối hợp các hoạt động của họ và tập trung vào những gì bệnh nhân cần biết. Như vậy giáo dục hiệu quả bắt đầu với sự đánh giá về những nhu cầu mà bệnh nhân và gia đình cần biết. Sự đánh giá này không chỉ xác định nhu cầu cần biết của họ là gì mà còn làm thế nào để họ tiếp thu tốt nhất. Việc học hỏi chỉ có hiệu quả nhất khi nó phù hợp với sở thích học hỏi, giá trị về văn hóa tín ngưỡng, kỹ năng ngôn ngữ và đọc của cá nhân, cũng như thời điểm thích hợp trong quá trình chăm sóc.

Giáo dục bao gồm cả kiến thức cần thiết trong suốt quá trình chăm sóc và sau khi bệnh nhân chuyển qua giai đoạn chăm sóc khác hoặc xuất viện về nhà. Do vậy, giáo dục có thể bao gồm thông tin về các nguồn lực cộng đồng cho việc chăm sóc bổ sung, yêu cầu chăm sóc tiếp theo và cách thức tiếp cận dịch vụ cấp cứu khi cần thiết. Giáo dục trong một tổ chức có hiệu quả là phải tận dụng các định dạng trực quan và điện tử có sẵn cũng như nhiều loại hình đào tạo từ xa và kỹ thuật khác.

Phần II. CÁC TIÊU CHUẨN QUẢN LÝ TỔ CHỨC Y TẾ

1. Cải thiện chất lượng và an toàn bệnh nhân


Chương này mô tả cách tiếp cận toàn diện để cải thiện chất lượng và an toàn bệnh nhân. Cải thiện chất lượng tổng thể và đầy đủ là giảm bớt liên tục những rủi ro cho bệnh nhân và nhân viên. Những rủi ro này có thể được tìm thấy trong những qui trình thực hành lâm sàng cũng như môi trường khám bệnh. Cách tiếp cận này bao gồm:

- Lãnh đạo và lập kế hoạch chương trình cải thiện chất lượng và an toàn bệnh nhân
- Thiết lập tốt những qui trình quản lý và thực hành lâm sàng mới
- Giám sát cách thức những qui trình thực hiện tốt thông qua việc thu thập dữ liệu chỉ thị; phân tích dữ liệu và thực hiện và duy trì những thay đổi mà đưa đến sự cải thiện.

Cả hai chương trình cải thiện chất lượng và an toàn bệnh nhân

- Được lãnh đạo phát động
- Tìm cách thay đổi văn hóa của một tổ chức
- Chủ động xác định, giảm thiểu rủi ro và biến thể
- Sử dụng dữ liệu để tập trung vào các vấn đề ưu tiên
- Tìm cách chứng minh những cải thiện bền vững.

Chất lượng và an toàn là cốt lõi trong công việc hàng ngày của mỗi cá nhân nhân viên y tế và nhân viên khác. Vì các bác sĩ và điều dưỡng đánh giá nhu cầu bệnh nhân và cung cấp sự chăm sóc, chương này có thể giúp họ hiểu được cách thức thực hiện những cải thiện thật sự để giúp đỡ bệnh nhân và giảm bớt rủi ro. Tương tự, những nhà quản lý, nhân viên hỗ trợ, và những người khác có thể áp dụng những tiêu chuẩn này vào công việc hàng ngày của họ để hiểu được cách thức làm cho các qui trình có thể hiệu quả hơn, các nguồn lực được sử dụng sáng suốt hơn, và giảm bớt rủi ro thực thể.

Chương này nhấn mạnh việc liên tục lập kế hoạch, thiết lập, giám sát, phân tích, cải thiện các qui trình quản lý và chuyên môn phải được tổ chức tốt và được lãnh đạo rõ ràng nhằm đạt được lợi ích tối đa. Cách tiếp cận này lưu ý rằng hầu hết các qui trình chăm sóc lâm sàng liên quan đến nhiều hơn một bộ phận, đơn vị và có thể bao gồm nhiều công việc cá nhân. Cách tiếp cận này cũng lưu ý hầu hết các vấn đề chất lượng quản lý và chuyên môn có liên quan với nhau. Do vậy, những nỗ lực nhằm cải thiện các qui trình đó phải được hướng dẫn bởi một khuôn khổ tổng thể cho các hoạt động cải thiện và quản lý chất lượng trong tổ chức, được giám sát bởi một hội đồng hoặc nhóm giám sát cải thiện chất lượng và an toàn bệnh nhân.

Do đó, khuôn khổ được trình bày trong những tiêu chuẩn này là phù hợp với nhiều chương trình có cấu trúc và cách tiếp cận ít chính thức để cải thiện chất lượng và an toàn bệnh nhân. Khuôn khổ này cũng có thể kết hợp với các chương trình giám sát truyền thống như liên quan đến những sự kiện không lường trước (quản lý rủi ro) và sử dụng nguồn lực (quản lý sử dụng). Theo thời gian, những tổ chức thực hiện theo khuôn khổ này sẽ

- Phát triển hỗ trợ lãnh đạo lớn hơn cho chương trình toàn thể tổ chức;
- Đào tạo và liên quan đến nhiều nhân viên hơn;
- Thiết lập những ưu tiên rõ ràng hơn cho những gì cần giám sát;
- Căn cứ những quyết định trên dữ liệu chỉ thị; và
- Thực hiện những cải thiện dựa trên sự so sánh với tổ chức khác, toàn quốc và toàn cầu.

2. Ngăn ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn

Mục tiêu của chương trình ngăn ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn của tổ chức là xác định và giảm bớt rủi ro về nhiễm khuẩn lây truyền và mắc phải giữa bệnh nhân, nhân viên, chuyên viên y tế, công nhân hợp đồng, tình nguyện viên, sinh viên và khách tham quan. Các chương trình hoạt động và rủi ro nhiễm khuẩn có thể khác nhau giữa các tổ chức, phụ thuộc vào dịch vụ và hoạt động chuyên môn của tổ chức, đối tượng bệnh nhân phục vụ, vị trí địa lý, số lượng bệnh nhân và số lượng nhân viên. Những chương trình hiệu quả thường xác định được những lãnh đạo, nhân viên được huấn luyện tốt, cách thức xác định và chủ động chỉ ra các rủi ro nhiễm khuẩn, qui trình và chính sách phù hợp, giáo dục nhân viên, và sự phối hợp trong toàn tổ chức.

3. Quản trị, lãnh đạo và chỉ huy

Cung cấp sự chăm sóc bệnh nhân xuất sắc đòi hỏi phải lãnh đạo hiệu quả. Sự lãnh đạo đó đến từ nhiều nguồn trong tổ chức chăm sóc sức khỏe, bao gồm những nhà lãnh đạo quản tri, lãnh đạo, và những người khác nắm giữ những vị trí lãnh đạo, trách nhiệm và tin cậy. Mỗi tổ chức phải các định những cá nhân này và thu hút họ để đảm bảo tổ chức sẽ là nguồn lực có hiệu quả, có năng lực cho cộng đồng và cho bệnh nhân. Một cách cụ thể, những nhà lãnh đạo này phải xác định được sứ mạng của tổ chức và chắc chắn rằng các nguồn lực cần thiết để hoàn thành sứ mạng này có sẵn. Đối với nhiều tổ chức, điều này không có nghĩa là thêm vào các nguồn lực mới, nhưng hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nguồn lực cũ, thậm chí khi chúng đang khan hiếm. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo phải làm việc tốt cùng nhau để phối hợp và tích hợp tất cả các hoạt động của tổ chức, bao gồm các thiết lập để cải thiện các dịch vụ chuyên môn và chăm sóc bệnh nhân.

Lãnh đạo hiệu quả bắt đầu với sự nhận thức các trách nhiệm và quyền hạn khác nhau của các cá nhân trong tổ chức và cách thức các cá nhân này làm việc cùng nhau. Những nhà quản trị, quản lý và lãnh đạo tổ chức đều có cả trách nhiệm và quyền hạn. Tập thể hay cá nhân đều có trách nhiệm tuân thủ các qui định và pháp luật đồng thời đáp ứng được trách nhiệm của tổ chức đối với đối tượng bệnh nhân phục vụ. Qua thời gian, lãnh đạo hiệu quả sẽ giúp vượt qua những rào cản về nhận thức, các vấn đề về giao tiếp giữa các dịch vụ và khoa phòng trong tổ chức, và tổ chức trở nên đạt hiệu quả và hiệu suất hơn. Các dịch vụ trở nên ngày càng tích hợp. Cụ thể là sự tích hợp tất cả các hoạt động cải thiện và quản lý chất lượng trong toàn tổ chức dẫn đến cải thiện kết quả phục vụ bệnh nhân.

4. An toàn và quản lý trang thiết bị

Các tổ chức chăm sóc sức khỏe làm việc nhằm cung cấp cơ sở hỗ trợ, chức năng và an toàn cho bệnh nhân, gia đình, nhân viên và khách tham quan. Để đạt được mục tiêu này, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thiết bị khác và nhân lực phải được quản lý hiệu quả. Cụ thể là việc quản lý phải cố gắng:

- Giảm bớt và kiểm soát các mối nguy hiểm và rủi ro
- Phòng ngừa tai nạn và thương tích
- Duy trì các điều kiện an toàn.

Quản lý hiệu quả bao gồm lập kế hoạch, giáo dục và giám sát như sau:

- Các nhà lãnh đạo lập kế hoạch về không gian, thiết bị và các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ hiệu quả và an toàn cho việc cung cấp các dịch vụ chuyên môn.
- Tất cả nhân viên đều được giáo dục về trang thiết bị, cách thức giảm bớt rủi ro, cách thức giám sát và báo cáo những tình huống có nguy cơ.
- Các tiêu chuẩn về hiệu suất được sử dụng để giám sát những hệ thống quan trọng và xác định những cải thiện cần thiết.

Các kế hoạch phác thảo được phát triển và cân nhắc sáu vấn đề sau, khi phù hợp với trang thiết bị và hoạt động của tổ chức:

- An toàn và an ninh

+ An toàn – Mức độ mà trang thiết bị, vị trí, công trình xây dựng của tổ chức không được gây nguy hiểm và rủi ro cho bệnh nhân, nhân viên và khách tham quan.
+ An ninh – Bảo vệ khỏi mất mát, phá hủy, quấy nhiễu hay sử dụng hoặc truy cập trái phép.

- Vật liệu nguy hiểm – Xử lý, cất giữ và sử dụng vật liệu phóng xạ và vật liệu khác phải được kiểm soát và chất thải độc hại phải được loại bỏ một cách an toàn.
- Quản lý tình huống khẩn cấp – Đáp ứng các tình huống khẩn cấp, thảm họa và dịch bệnh phải được lập kế hoạch và hiệu quả.
- An toàn cháy – Tài sản và người cư ngụ được bảo vệ khỏi cháy và khói.
- Trang thiết bị y tế – Trang thiết bị được lựa chọn, bảo trì và sử dụng theo cách thức giảm bớt rủi ro.
- Hệ thống tiện ích – Điện, nước và các hệ thống tiện ích khác được bảo trì nhằm giảm thiểu rủi ro không hoạt động được.

Luật pháp, qui định và kiểm tra của chính quyền địa phương xác định phần lớn cách thức thiết lập, sử dụng và bảo trì trang thiết bị. Tất cả các tổ chức, bất kể qui mô hay nguồn lực, phải tuân theo các yêu cầu này như một phần trách nhiệm của họ đối với bệnh nhân, gia đình, nhân viên và khách tham quan. Các tổ chức mà bắt đầu bằng việc tuân theo qui định và pháp luật thì qua thời gian, họ càng trở nên hiểu biết chi tiết hơn về cơ sở vật chất mà họ đang nắm giữ. Họ bắt đầu thu thập dữ liệu chủ động và thực hiện các chiến lược để giảm bớt rủi ro và tăng cường môi trường chăm sóc bệnh nhân.

5. Đào tạo và trình độ nhân viên

Một tổ chức chăm sóc sức khỏe cần một sự đa dạng về kỹ năng, nhân lực có trình độ phù hợp để hoàn thành sứ mạng và đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Các nhà lãnh đạo tổ chức làm việc cùng nhau để xác định số lượng và kiểu nhân viên cần thiết dựa trên đề nghị của các trưởng bộ phận dịch vụ và khoa phòng. Tuyển dụng, đánh giá và bổ nhiệm nhân viên được thực hiện tốt nhất thông qua qui trình thống nhất, hiệu quả và kết hợp. Việc ghi nhận lại kỹ năng, kiến thức, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trước đây của người nộp đơn xin việc cũng là điều cần thiết. Điều đặc biệt quan trọng là phải xem xét cẩn thận bằng chứng chuyên môn của bác sĩ và điều dưỡng vì họ tham gia vào qui trình chăm sóc chuyên môn và làm việc trực tiếp với bệnh nhân. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe nên tạo cơ hội cho nhân viên học tập phát triển bản thân và nghề nghiệp. Như vậy, nhân viên nên được cung cấp giáo dục trong công việc và các cơ hội học tập khác.

6. Quản lý truyền thông và thông tin

Cung cấp chăm sóc bệnh nhân là một nỗ lực phức tạp mà phụ thuộc nhiều vào sự truyền thông thông tin. Sự truyền thông này hướng đến và vì cộng đồng, bệnh nhân và gia đình họ, và các chuyên gia y tế khác. Thất bại trong truyền thông là một trong những nguyên nhân cốt lõi thường gặp nhất trong những rắc rối về an toàn bệnh nhân. Nhằm cung cấp, kết hợp và tích hợp các dịch vụ, các tổ chức chăm sóc sức khỏe dựa vào thông tin về khoa học chăm sóc, cá nhân bệnh nhân, hình thức chăm sóc được cung cấp, kết quả chăm sóc và hiệu suất của chính họ. Cũng giống như nhân lực, vật lực và tài lực, thông tin là nguồn lực cần phải được quản lý hiệu quả bởi các nhà lãnh đạo tổ chức. Mọi tổ chức tìm cách đạt được, quản lý và sử dụng thông tin nhằm cải thiện kết quả phục vụ bệnh nhân, cũng như hiệu suất hoạt động của toàn tổ chức và các nhân.

Qua thời gian, tổ chức trở nên hiệu quả hơn trong:

- Xác định các nhu cầu thông tin
- Thiết lập hệ thống quản lý thông tin
- Xác định và nắm bắt dữ liệu và thông tin
- Phân tích dữ liệu và chuyển đổi thành thông tin
- Tích hợp và sử dụng thông tin.

Mặt dù tin học hóa và các kỹ thuật khác cải thiện được hiệu suất, nguyên tắc quản lý thông tin tốt vẫn áp dụng với tất cả các phương pháp, bất kể dựa vào giấy tờ hay điện tử. Các tiêu chuẩn này được thiết lập nhằm phù hợp hơn nữa với các hệ thống chưa tin học hóa và các kỹ thuật trong tương lai.

Nguồn: Theo BS. LÊ BÌNH PHƯƠNG

0 nhận xét on Các tiêu chuẩn thẩm định Bệnh Viện quốc tế của JCI :

Hãy cho biết ý kiến của bạn. Đừng spam!

Video nổi bật